Vẻ đẹp tự nhiên và vẻ đẹp nhân tạo

Từ xưa đến nay, cái đẹp đến với cuộc đời trong nhiều sắc áo, có vẻ đẹp tự nhiên, có vẻ đẹp nhân tạo. Cái đẹp nào sẽ là tận mĩ hay cả hai sẽ cùng điểm tô cho đời những ánh sáng lung linh? Câu chuyện về vẻ đẹp tự nhiên và vẻ đẹp nhân tạo vẫn luôn đáng luận bàn.

Vẻ đẹp tự nhiên là cái tiên thiên định sẵn, là những đứa con của mẹ Tạo hoá. Vẻ đẹp nhân tạo là những gì được chuốt lên bởi bàn tay con người, có dụng công, có tỉ mẩn, chứ không ra đời một cách tự nhiên. Và rõ ràng, vẻ đẹp nhân tạo ấy không dừng lại ở những gì là vật thể, nó còn là vẻ đẹp ở giá trị tinh thần, ở những lời ca, khúc hát, vần thơ mà con người viết tặng cho đời.

 Trời đang thu. Nếu như ta có thể lấy đồng và vàng trên trái đất đem đánh thành muôn vàn lá cây rất mực tinh xảo thì những chiếc lá đó chỉ làm thành một phần rất nhỏ bộ quần áo mà mùa thu đang trải trên những ngọn núi kia mà thôi…” (Lẵng quả thông – Pautôpxki). Muôn vàn lá cây được đánh bằng đồng và vàng trên trái đất, thật quý giá và đẹp đẽ biết bao. Nhưng những nguyên tử kim loại xô đẩy lẫn nhau trong lõi đồng hay vàng ròng kia vẫn khác xa những hạt diệp lục trong những chiếc lá, trên mỗi nhành cây. Chúng biết run rẩy trước một tiếng chim hót, biết nép vào nhau trước một cơn gió thoảng. Chúng có linh hồn, có cả nhựa sống và vì vậy đã làm nên những xôn xao trong lòng cỏ cây vạn vật.

Nhưng cũng có khi, cái đẹp nhân tạo vẫn không hề lạc màu so với bức tranh thiên nhiên. Vẻ đẹp nhân tạo là vẻ đẹp được tạo nên từ chính bàn tay con người nên giới hạn của nó đến đâu cũng là ở bàn tay ấy. Nếu được gửi hồn, nếu được truyền nhựa sống, thì đó là vẻ đẹp không giới hạn, có chăng là ở bàn tay nghệ sĩ có đưa được vẻ đẹp của mình bước qua những ranh giới giữa chân và giả, giữa tĩnh và động hay không. Muôn vàn lá cây được đánh bằng vàng và đồng trên trái đất sẽ chẳng là gì so với chiếc áo mùa thu đang trải dài trên những triền núi mênh mang. Nhưng đứng trước một “Mùa thu vàng” trong tranh Lê-vi-tan, ta như đứng trước một không gian vừa rực rỡ vừa êm đềm, đằm thắm mà không uỷ mị của mùa thu. Có gì đó vừa quen thuộc vừa mới mẻ khiến ta muốn được bước những bước chân trần trên lớp lá óng ả kia mà tĩnh tâm nghĩ suy một điều gì. Một “mùa thu vàng” ấy, không phải tự nhiên có, nhưng sao cứ như là thực, cứ như là động, như làm dậy lên trong lòng một hạnh phúc trong trẻo và hồn nhiên lạ lùng.

Tự nhiên cho ta nhiều vẻ đẹp đơn sơ mà kỳ diệu, trong đó có cái dáng nghiêng nghiêng của những cành sen giữa thiêu đốt nắng gió ngày hạ. Mặc cho tất cả, lá sen vẫn xanh ngát xoè rộng, xoáy ra từ tim những đường gân chạy đều đều uyển chuyển. Những tưởng chỉ trong cõi thực mới có được cành sen tự nhiên đến thế, đẹp thế, lành thế – nhưng không! Hùnh ảnh của chú bé chăn trâu thổi sáo dưới tán lọng bằng lá sen xanh trong tranh làng Hồ lại vẫn khiến cho ta rung cảm. Trong tranh là hình ảnh chiếc lá sen xanh như tấm lòng đồng nội lượn gấp một đường viền thật uyển chuyển, thanh tú, như thể đã quyện vào nhịp sáo thiết tha. Hay một lá sen ngát hương trong thơ Nguyễn Bính cũng mang đậm cái thần vị của quê mùa dân dã:

Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ
Lá sen vương vấn hương sen ngát
Ấp ủ đôi ta chút nhuỵ hờ

Một lá sen tơ vương tình sao mà duyên đến thế. Cái tơ non trẻ, mịn màng như đang mơn trớn chút nhuỵ hờ ấy như ùa cả vào lòng ta. Không phải tự nhiên, nhưng những vẻ đẹp toát ra từ tranh Đông Hồ hay từ những vần thơ Nguyễn Bính đều rất sống động, ấy là khi nó đã được trao tâm, gửi hồn của người nghệ sĩ.

Vẻ đẹp tự nhiên dẫu tinh tế nhưng không phải bao giờ cũng toàn bích, vì vậy nếu được bàn tay con người chăm chút, nó sẽ đẹp hơn, toàn mĩ hơn. Những viên ngọc trong lòng đất mẹ dẫu đẹp nhưng vẫn dính dấp chút mùn thô, nếu được bàn tay con người chăm chút, nó sẽ sáng hơn, trong hơn. Khi đứng giữa mây trời gió núi, ai dám bảo rằng những vẻ đẹp ấy sẽ vĩnh hằng mà không phai bạc, biến suy? Vì vậy, cần đến những bàn tay con người tôn tạo, giữ gìn thì những vẻ đẹp ấy mới sẽ mãi mãi toả sáng giữa đất trời.

Có những con người suốt đời mình, suốt hành trình mình chỉ biết kiếm tìm cái đẹp. Bởi lẽ, cuộc đời này rất cần đến vẻ đẹp dù đó là tự nhiên hay nhân tạo, để con người có thể được sống trong mĩ cảm, trong những phút thăng hoa, được lặng mình trong cõi thanh tao. Đó là hằng số bất biến mà vẻ đẹp tự nhiên và vẻ đẹp nhân tạo mang đến cho đời. Đó cũng là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho con người và con người trao tặng cho nhau.
                                                                                                Đặng Thanh Thuỷ
12 Văn – THPT Chuyên Quảng Bình