Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy ở trường THPT Đồng Hới

Đổi mới phương pháp dạy học nhằm chú trọng phát triển năng lực của học sinh là phương hướng phù hợp với nhịp độ phát triển của quá trình đổi mới đất nước. Nắm được mục tiêu trên và đưa nó ứng dụng vào giảng dạy là điều hết sức quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với xu thế phát triển chương trình của các nước tiên tiến, nhằm thực hiện yêu cầu của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội: “tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà trí, đức, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”. Với yêu cầu đó, có thể nói rằng, việc đổi mới phương pháp dạy học trong đổi mới GDPT theo hướng phát triển năng lực đang trở thành yêu cầu cơ bản.

Đối với trường THPT Đồng Hới, ngay từ đầu năm học 2022-2023, việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy được thảo luận kỹ càng trong từng tổ chuyên môn. Nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức một số giờ dạy thử nghiệm để giáo viên dự giờ và góp ý. Qua đó, các giáo viên có thêm cơ hội làm quen với phương pháp dạy học mới, đồng thời tích lũy kinh nghiệm cho chính mình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chương trình GDPT 2018 ở thời gian tiếp theo.

Giờ dạy thử nghiệm môn Lịch sử

Trong hoạt động dạy học, tinh thần đổi mới được thể hiện từ cách soạn giáo án, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, tăng cường hoạt động nhóm trong các giờ học, đến phương pháp dự giờ theo hướng chú trọng quan sát các hoạt động, năng lực, sự hiểu biết của học sinh trong mỗi giờ học. Giáo viên đã linh hoạt sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại như dạy học dự án, dạy học nhóm, tổ chức trò chơi… Năm học vừa qua, nhiều dự án học tập đã được triển khai như: dự án trồng cây vì môi trường ở bộ môn Ngoại ngữ, dự án Hành trình về nguồn ở bộ môn Ngữ văn, dự án trồng cây thuốc Nam ở môn Sinh học… Lựa chọn dạy học dự án, giáo viên không chỉ phát huy được năng lực, hình thành và rèn luyện kĩ năng cho học sinh mà còn tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa, gắn kết nhà trường với xã hội.

Bên cạnh đó, để kích thích sự hứng thú, say mê của học sinh, nhiều giáo viên đã rất nhanh nhạy trong việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học như Padlet, Azota, Flipgrid, Gimkit… Ứng dụng phần mềm dạy học hiện đại mang đến rất nhiều ưu điểm nổi trội như: tạo môi trường học tập thú vị, tạo điều kiện để học sinh thích nghi với công nghệ mới, tăng khả năng sáng tạo ở giáo viên và học sinh, chất lượng bài giảng cũng được nâng cao…

Học sinh tham gia trò chơi trong một tiết học

Về kiểm tra đánh giá, dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh nên việc kiểm tra, đánh giá cũng được linh hoạt điều chỉnh theo hướng này. Giáo viên đã chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của học sinh; chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn; chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như tư duy sáng tạo, khuyến khích học sinh thể hiện cá tính và năng lực bản thân, phát huy tính chủ động của học sinh bằng việc tự đánh giá bản thân và đánh giá chéo lẫn nhau…

Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, nhà trường luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Thông qua khảo sát chất lượng học sinh đầu năm học và các bài kiểm tra học kỳ, nhà trường lựa chọn những em có năng lực vượt trội ở các môn học tham gia các đội tuyển mũi nhọn, bố trí đội ngũ giáo viên có chuyên môn giỏi, tâm huyết và kinh nghiệm trong bồi dưỡng học sinh giỏi phụ trách các đội tuyển. Kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi được xây dựng trên cơ sở định hướng nội dung chương trình, hệ thống kiến thức cơ bản, kiến thức trọng tâm từng môn học và sách tham khảo.

Nhờ có những đổi mới trong phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, sinh hoạt chuyên môn và có nhiều giải pháp tăng cường chất lượng giáo dục toàn diện học sinh nên tỷ lệ học sinh khá, giỏi của nhà trường tăng đáng kể; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023 đạt 99,4%; số học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp năm sau luôn cao hơn năm trước.

Với những giải pháp đồng bộ, chúng tôi tin rằng, chất lượng giáo dục của trường THPT Đồng Hới tiếp tục được nâng cao; cán bộ, giáo viên, học sinh sẽ gặt hái được nhiều thành tích hơn nữa trong năm học mới 2023-2024.

                          Bùi Nguyễn Sao Mai, Tổ Ngữ văn – GDCD, Trường THPT Đồng Hới

http://quangbinh.edu.vn/web/guest/details-new?categoryId=43655&articleId=20917520