Ghi nhận từ hội thi hùng biện tiếng anh cấp tỉnh khối THCS – Năm học 2013 – 2014
Ngày 24 tháng 11 vừa qua, Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình đã long trọng tổ chức Hội thi Hùng biện tiếng Anh dành cho học sinh khối THCS, năm học 2013 – 2014. Vượt qua vòng loại từ cuộc thi cấp huyện, 19 thí sinh xuất sắc nhất đến từ bảy huyện, thành phố đã hội tụ về Đồng Hới trong vòng chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh. Những dư âm và cảm xúc đọng lại thật khó quên trong lòng khán thính giả từ cuộc thi đầy ý nghĩa này.
Các thí sinh đạt giải trong cuộc thi
Đây là năm đầu tiên Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình tổ chức cuộc thi tầm cỡ và quy mô dành cho học sinh khối THCS trong toàn tỉnh. Với chủ đề “Tiếng Anh với hội nhập quốc tế”, các đội đã mang đến cuộc thi những phần trình diễn ấn tượng, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi miền quê xứ Quảng. Đây cũng là dịp để toàn ngành giáo dục kiểm chứng lại chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại bảy cơ sở giáo dục trong địa bàn toàn tỉnh, nhất là trong bối cảnh đất nước đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới.
* Cuộc đua về mặt công nghệ của các đội dự thi
Hội thi hùng biện Tiếng Anh khối THCS diễn ra qua 3 vòng thi: Màn chào hỏi, màn thi năng khiếu và màn thi hùng biện. Cuộc thi diễn ra hết sức gay cấn ngay từ vòng đầu tiên, màn thi Chào hỏi. Trong phần thi này, theo yêu cầu của Ban tổ chức, các đội bắt buộc phải có màn giới thiệu bằng hình ảnh hoặc video kèm theo phần trình bày của thí sinh. Đây cũng là dịp để các đội thể hiện khả năng công nghệ của mình. Ở khu vực phía trên của hội trường là nơi nhộn nhịp nhất. Tại đây BTC đã đặt sẵn máy chiếu để kết nối với phần thi của các thí sinh. Các đội chỉ đưa máy tính đấu nối với máy chiếu để trình diễn minh họa cho phần chào hỏi của đội mình. Đây là vòng thi cấp tỉnh, chính vì thế mà sự đầu tư của các đội hết sức công phu. Rất nhiều phần mềm dựng phim, xử lý hình ảnh, âm thanh chuyên nghiệp đều được các đội sử dụng tối đa. Mỗi phòng giáo dục, mỗi trường có thí sinh dự thi đều huy động đội ngũ “chuyên gia” có kinh nghiệm về công nghệ, thành thạo tin học tham gia quá trình tư vấn, thiết kế màn trình diễn sao cho ấn tượng nhất. Quả thật, 19 phần thi của các thí sinh là 19 màn trình diễn thú vị, là 19 cuộc đua tranh về mặt công nghệ làm cho hội thi thêm sinh động và hấp dẫn.
* Giáo dục Tuyên Hóa với hội thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh
Đội tuyển thi “Hùng biện tiếng Anh THCS cấp tỉnh huyện Tuyên Hóa
Góp mặt trong hội thi cấp tỉnh năm nay, đội tuyển đến từ phòng Giáo dục Tuyên Hóa có sự hiện diện của 2 thí sinh xuất sắc nhất, được chọn lựa kĩ càng từ vòng thi cấp huyện. Vượt qua 16 thí sinh khác đến từ các trường THCS trong toàn huyện, 2 “chiến binh” Tuyên Hóa là Lê Anh Thơ (Trường THCS Tiến Hóa) và Tạ Linh Nhật Lâm (Trường THCS Đồng Lê) sẵn sàng bước vào sân chơi lớn cấp tỉnh. Đây là hai gương mặt sáng giá, là niềm hi vọng cho giáo dục huyện Tuyên tham gia cuộc thi. Ngoài đời, cả Anh Thơ và Nhật Linh có vẻ rụt rè, nhút nhát nhưng nhìn vào kết quả học tập thì mọi người phải kình nể. Hai em là học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liền, từng tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi các cấp, nhưng đây là lần đầu tiên tham dự một cuộc thi tầm cỡ cấp tỉnh. Tâm sự với đoàn, anh Phạm Minh Tâm – CV Phòng Giáo dục & Đào tạo Tuyên Hóa chia sẻ: “Mình tham gia hội thi lần này để chứng tỏ khả năng và vị thế của mình”. Qua tâm tư của anh, tôi hiểu rằng, trên bản đồ giáo dục của tỉnh nhà thì Tuyên Hóa có vị trí khá khiêm tốn. Trên các sân chơi cấp tỉnh, chúng ta luôn bị xem là “cái bóng”, là đội “lót đường”, là “kẻ yếu”. Tính chất tham gia để giao lưu học hỏi, cọ xát nhiều hơn là giành chiến thắng. Vâng, những suy nghĩ ấy của nhiều người cũng có cái lý của họ, nhưng giờ đây thì những ý nghĩ ấy đã “chìm vào dĩ vãng”. Giáo dục Tuyên Hóa hôm nay đã “vươn vai trỗi dậy”, không ngừng chuyển mình để khẳng định vị thế với bạn bè trên toàn tỉnh. Trước khi lên sân khấu, tôi có trao đổi với riêng với Anh Thơ và Nhật Linh: “Các em đừng đặt nặng vấn đề thắng thua, mình phải thể hiện hết khả năng như mình đã làm trong cuộc thi cấp huyện. Đây là sân chơi chung của tất cả các thí sinh và chúng ta là một phần của hội thi. Hãy thể hiện đẳng cấp của mình trước Ban giám khảo và bạn bè toàn tỉnh!”. Như được tiếp thêm sức mạnh, cả Anh Thơ và Nhật Lâm đã thể hiện bản lĩnh và sự tự tin trên sân khấu, khiến khán giả phải trầm trồ thán phục. Với sự bình tĩnh tự tin vốn có, cộng thêm khả năng phát âm tiếng Anh lưu loát, chuẩn xác, Lê Anh Thơ đã thể hiện tốt 3 phần thi của mình. Đến lượt Nhật Lâm, cả hội trường I của Sở Giáo dục gần như không thể rời mắt khỏi em. Với ngoại hình và chất giọng rất “Tây”, Nhật Lâm đã thu hút sự chú ý của Ban giám khảo và các đội thi từ phần đầu đến phần cuối. Tham dự cuộc thi năm nay là một sự nỗ lực lớn của bản thân Nhật Lâm, vì trước đó một ngày em bị ốm nặng tưởng như không thể tham gia được. Nhưng với bản lĩnh “thép” và tinh thần của một “chiến binh”, Nhật Lâm đã không làm phụ lòng mong mỏi của thầy cô và gia đình. Trong hội thi này, em đã được nhiều fan hâm mộ chào đón và bình chọn là “hot boy” của cuộc thi. Điều đọng lại trong cuộc thi này là chúng ta đã thi đấu ngang ngửa và sòng phẳng với các đội bạn. Đội thi của Tuyên Hóa không hề lép vế và choáng ngợp trước sức nóng của hàng trăm khán giả trong Hội trường. Kết quả thật mãn nhãn, cả Anh Thơ và Nhật Lâm đều đạt giải Ba trong sân chơi lớn cấp tỉnh. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực tập luyện không biết mệt mỏi và thi đấu hết mình của bản thân Thơ và Lâm nói riêng và toàn đội Tuyên Hóa nói chung. Như lời tâm sự ban đầu của thầy Phạm Minh Tâm, chúng ta đã khẳng định được vị thế của mình trong ngành giáo dục của tỉnh nhà. Điều đó cũng đã chứng tỏ, việc dạy và học bộ môn Ngoại ngữ của Tuyên Hóa đã có những bước tiến quan trọng, đáp ứng với xu thế hội nhập và phát triển như chủ đề của Hội thi.
Lê Hồng Quang – Trường THCS Thạch Hóa – Tuyên Hóa – Quảng Bình
Khép lại một cuộc thi thành công với nhiều cảm xúc ngọt ngào, giáo dục phố núi huyện Tuyên sẽ tiếp tục mở ra những trang sử mới trong sự nghiệp trồng người. Khoảng cách giữa các vùng miền dần dần được rút ngắn, chúng ta có cơ sở và niềm tin để đưa giáo dục huyện nhà “sánh vai” với huyện, thành trong toàn tỉnh.